GIỚI THIỆU VỀ GMP
GMP (Good Manufacturing Practices) là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất. bao gồm những nguyên tắc chung, những quy định, hướng dẫn các nội dung cơ bản về điều kiện sản xuất; áp dụng cho các cơ sở sản xuất, gia công, đóng gói thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế, mỹ phẩm… nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và an toàn. GMP là một phần cơ bản trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển hệ thống HACCP và các tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000.
GMP quan tâm đến các yếu tố quan trọng: con người, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, thao tác, môi trường ở tất cả các khu vực của quá trình sản xuất, kể cả vấn đề giải quyết khiếu nại của khách hàng và thu hồi sản phẩm sai lỗi. Những yêu cầu của GMP có tính mở rộng và tổng quát, cho phép mỗi nhà sản xuất có thể tự quyết định về số quy định, tiêu chuẩn, thủ tục, hướng dẫn công việc sao cho đáp ứng được các yêu cầu cần thiết, phù hợp với loại hình, lĩnh vực sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất của doanh nghiệp. Chính vì vậy số các quy định, thủ tục của hệ thống GMP của mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau.
Phạm vi và đối tượng kiểm soát của GMP:
– Nhân sự.
– Nhà xưởng.
– Thiết bị.
– Vệ sinh sản xuất, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân,
– Quá trình sản xuất: thao tác của công nhân, thực hiện các yêu cầu về nguyên vật liệu, về tiêu chuẩn sản phẩm, công thức pha chế, về điều kiện vật chất của sản xuất, đánh giá việc cung ứng của nhà cung cấp nguyên vật liệu,
– Chất lượng sản phẩm: thử nghiệm mẫu.
– Kiểm tra: nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm, thao tác của công nhân, đánh giá nhà cung ứng, vệ sinh.
– Xử lý sản phẩm không phù hợp, giải quyết khiếu nại của khách hàng,
– Tài liệu, hồ sơ thực hiện …
ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
GMP được áp dụng trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm yêu cầu điều kiện vệ sinh cao như:
- Thực phẩm
- Dược phẩm
- Mỹ phẩm,
- Thiết bị y tế.
- Trong lĩnh vực thực phẩm, nhà hàng, khách sạn cũng rất thích hợp cho việc áp dụng GMP
Ở Việt Nam, theo quyết định của Bộ Y tế, tiêu chuẩn GMP là tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng đối với tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.
Ý NGHĨA VÀ LỢI ÍCH CỦA GMP
Một doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn GMP sẽ cải thiện được cơ bản và toàn diện điều kiện vệ sinh an toàn của cơ sở sản xuất cũng như các hoạt động sản xuất và đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó các lợi ích theo sau mà GMP đem lại là:
- Tiêu chuẩn hóa điều kiện vệ sinh và hoạt động kiểm soát vệ sinh nhà xưởng, con người, sản xuất
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai HACCP, ISO22000
- Giảm phần lớn nguy cơ ngộ độc, kiện cáo, phàn nàn của khách hàng
- Tăng cường uy tín, sự tin cậy, sự hài lòng của nhà phân phối, khách hàng
- Cải thiện hoạt động tổng thể của doanh nghiệp
CÁC BƯỚC TRIỂN KHAI
1. Tập hợp các tài liệu cần thiết, bao gồm:
– Các quy định của pháp luật hiện hành.
– Các tiêu chuẩn nguyên liệu, sản phẩm, các yêu cầu thao tác kỹ thuật.
– Các yêu cầu, phản hồi của khách hàng.
– Các thông tin khoa học mới.
– Kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp.
– Kết quả nghiên cứu/thử nghiệm mẫu …
2. Xác định phạm vi áp dụng GMP.
3. Lập kế hoạch tiến độ và phân công cá nhân phụ trách.
4. Thiết lập các thủ tục, quy định, tiêu chuẩn cho từng công đoạn.
5. Huấn luyện công nhân.
6. Áp dụng thử, thẩm tra.
7. Chỉnh sửa thiết bị, nhà xưởng, huấn luyện công nhân nếu có sự chưa phù hợp.
8. Phê duyệt áp dụng chính thức.
9. Giám sát việc thực hiện: đánh giá hiệu quả, cải tiến.
“Làm đúng ngay từ đầu là chất lượng nhất, tiết kiệm nhất”